-
Giỏ hàng của bạn trống!
YẾN SÀO DƯỢC LIỆU QUÝ HIÊM BỔ DƯỠNG
2023-11-14 17:19:48
Yến sào có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ. Đây là vị thuốc bổ rất tốt cho người ốm yếu, cao tuổi, sản phụ băng huyết, trẻ em suy dinh dưỡng.
Ngày qua ngày, chim yến hàng (loài chim sống ở biển miền Trung và các đảo) miệt mài nhả dãi (nước bọt) thành những vòng tròn xoáy trôn ốc để xây nên những chiếc tổ xinh xắn mà nếu bị lấy đi, chim lại tiếp tục không nản làm lại tổ khác để duy trì nòi giống.
Tổ chim yến còn có tên dân dã là tai yến (vì tổ nom giống như tai người), còn trong y học cổ truyền và giao dịch kinh tế, nó được gọi là yến sào (yến: chim én, sào: tổ). Tổ yến được khai thác làm hai đợt. Đợt thứ nhất vào tháng 3 trước khi chim đẻ trứng. Đợt thứ hai vào tháng 7-8 sau khi chim non rời tổ, tự bay và kiếm mồi. Chính việc khai thác hợp lý này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đàn chim phát triển (dưỡng chim).
Tổ yến hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ, to bằng nửa quả trứng vịt, dài khoảng 7 cm, rộng 5 cm, nặng độ 10 g. Đôi khi có những tổ to, dày, nặng khoảng 18-20 g mà người ta cho rằng đó là tổ do chim xây lần đầu, những lần sau làm lại tổ nhỏ dần và mỏng. Lại có nhận định là tổ to do chim trẻ làm và tổ nhỏ do chim già làm. Tổ yến khai thác về được chải sạch chất bẩn, nhặt hết lông tơ, rồi phân thành nhiều loại như sau:
Yến huyết có màu đỏ tươi, mép có viền trắng, được xếp vào loại thượng hạng. Loại yến này rất hiếm gặp, thường mỗi vụ thu hoạch chỉ được vài trăm tổ. Theo các nhà khoa học, tổ yến có màu đỏ là do vách đá nơi chim yến làm tổ có nhiều oxyde sắt, còn theo truyền thuyết dân gian thì do chim cố gắng hết sức để làm tổ nên bị ra máu.
Yến quang hay yến bạch là tổ làm lại lần thứ hai, to dày, màu trắng trong, nặng 10-12 g, là loại một.
Yến thiên màu trắng đục, xanh hoặc vàng, nặng 9-10 g, loại hai.
Yến địa màu xám, tím hoặc đen nhạt, nặng 6-7 g, loại ba (tổ của chim già).
Ngoài ra, còn có yến bã trầu màu hồng, yến bài là tổ chưa làm xong hoặc bị vỡ, yến mao là tổ mới làm lần đầu, yến xiêm là tổ rất bẩn, dính đầy lông (ít được dùng).
Cách chế biến tổ yến: Ngâm tổ trong nước lã 3-4 giờ hoặc nước nóng 1/2-1 giờ, khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc), nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào. Thay bằng nước lã, khỏa đều. Cứ thế rửa sạch nhiều lần, để ráo nước. Lúc này, sợi yến có màu trắng lục nhạt, nhỏ và dai giống như sợi miến.
Tổ yến có hàm lượng protein khá cao (43-55%, nhiều hơn thịt, cá) và các acid amin rất cần thiết cho cơ thể con người, không thay thế được và như cystein, phenylalamin, tyrosin…. Nó cũng chứa đường glucose với hàm lượng cao; lượng mỡ thấp, và các vitamin B, C, E, PP; các muối natri, sắt, phosphor; các nguyên tố vi lượng. Về mặt thực phẩm, yến sào được liệt vào hàng “cao lương mỹ vị”, là một trong 8 món ăn nổi tiếng (bát trân) cùng với bào ngư, hải sâm, vây cá mập, đế chân voi, bàn tay gấu…
Dùng riêng, yến sào sấy khô, tán bột mịn, uống mỗi ngày 6-12 g. Dùng liền 7-10 ngày. Dùng phối hợp, yến sào (được yến huyết càng tốt), tắc kè, tử hà sa (rau thai nhi), ngưu hoàng lượng bằng nhau, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 20 viên chia làm 2 lần.
Có thể dùng yến sào dưới dạng món ăn – vị thuốc theo các phương cách sau:
Yến thả: Sợi yến hấp cách thủy cho chín (không nấu trực tiếp với nước vì dễ bị nát và mất chất bổ) được xếp vào bát con, rải thịt gà xé lên trên, rồi chan nước luộc gà thật nóng. Thêm gia vị cho đủ ngọt, ăn làm một lần.
Yến tần: Sợi yến nhồi vào bụng chim bồ câu đã làm thịt sạch cùng với ít gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ hoặc nấm hương, gia vị. Hầm cách thủy cho chín nhừ. Ăn trong ngày.
Chè yến: Sợi yến đã hấp cách thủy cho vào bát con. Đường kính nấu với nước đến sôi, bắc ra, cho lòng trắng trứng và vỏ trứng tán vụn để quyện lấy tạp chất. Lọc thật trong, rồi dội vào bát yến. Ăn khi chè còn ấm. Có người còn hấp sợi yến với đường phèn và ít sâm hoặc nước dừa.
Trong dân gian, người ta dùng cả máu yến (yến huyết), phân yến (yến thỉ), thịt chim yến (yến nhục) và tổ yến trong đó có xác của chim yến non mới nở (sào nội yến tử). Phân chim yến 30gram (phơi khô, sao vàng, tán bột) trộn với tỏi (3 củ) giã nát, thêm hồ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 3 viên với nước ấm, chữa ngộ độc.
D.S. Đỗ Huy Bích - Nguồn Sức Khỏe & Đời Sống